Thổi hồn vào sắt

Sắt thép là vật liệu được sử dụng rộng rãi trong mọi công trình xây dựng, từ kết cấu chịu lực cho đến trang trí hoàn thiện, từ các sản phẩm ngoài trời cho đến các sản phẩm nội thất.

Những ai đã có dịp qua châu Âu chắc sẽ không khỏi bị ấn tượng bởi kiến trúc cổ điển trong hầu hết các công trình, trong đó hoa sắt trang trí được khai phá và thể hiện đến độ tinh tuý nhất.

Ở Việt Nam, dấu ấn kiến trúc Pháp trong những công trình văn hoá lịch sử như Nhà hát lớn, Phủ chủ tịch v.v… với những mái vòm, cổng hoa sắtvẫn còn nguyên giá trị với thời gian. Trong xu thế xây dựng ngày nay, giới kiến trúc sư và chủ công trình ngày càng chú trọng hơn đến các ứng dụng của vật liệu sắt thép, tìm tòi những cách thể hiện mới để sắt thép không chỉ đáp ứng được công năng sử dụng thông thường mà còn có giá trị thẩm mỹ, đem lại nét đẹp hài hòa và là một điểm nhấn trong vẻ đẹp tổng thể của mỗi công trình.

Trong phạm vi xây dựng dân dụng, các hạng mục sắt thép khá đa dạng, bao gồm từ cổng, cửa, hàng rào, ban công, lan can sắt cầu thang, hoa sắt cửa sổ cho đến các kết cấu giàn, mái, vòm sắt. Sắt thép cũng có thể ứng dụng rộng rãi trong trang trí nội thất với các sản phẩm như bàn ghế, gường, giá kệ, gương, tủ rượu, giá nến, đèn trang trí,  v.v…

Điểm lại bộ mặt một số khu đô thị mới trong thời gian qua, có thể nhận thấy bên cạnh những công trình có thẩm mỹ tinh tế, không ít những công trình dường như còn thiếu sự đầu tư chiều sâu về các vật liệu hoàn thiện nói chung và các sản phẩm sắt thép nói riêng, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp và hiệu quả kiến trúc của cả công trình. Nhiều hạng mục sắt thép còn lạc lõng trong một kiến trúc tổng thể, hoặc đây đó thể hiện sự sao chép, dập khuôn mà thiếu đi tính sáng tạo hay sự đầu tư về mặt “chất xám”. Mặt khác cũng có những công trình có thiết kế đẹp nhưng lại bị giới hạn về trình độ và kỹ thuật gia công nên cũng không thể hiện hết được các ý tưởng thiết kế. Đây là một điều đáng tiếc và cũng là sự lãng phí khi mà mỗi công trình, mỗi ngôi nhà đẹp được hoàn thiện đều là sự mong mỏi khát khao, là sự kết tụ về vật chất và tinh thần của mỗi chủ nhân sau nhiều năm tháng lao động vất vả.

Khắc phục những hạn chế trên, một xu hướng mới hiện nay là quan tâm và đầu tư chiều sâu đối với các sản phẩm sắt thép hoàn thiện trong một công trình, bắt đầu từ khâu tìm giải pháp, ý tưởng thiết kế tối ưu cho đến việc lựa chọn một nhà sản xuất có đủ năng lực thể hiện ý tưởng đó trên hiện thực, tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị sử dụng thiết thực (an toàn, chính xác, tiện dụng, bền chắc…) vừa có giá trị thẩm mỹ cao nhất. Nói cách khác, một sản phẩm đẹp thực sự và có hồn chính là sự hội tụ và kết tinh giữa yếu tố thiết kế và yếu tố kỹ thuật, bao gồm trình độ công nghệ đi đôi với tay nghề của người thợ sắt.

Cửa sổ sắt Thiên Tân
Đi khắp nơi ở Anh hoặc Tây Âu, không khó để tìm một công trình công cộng có sử dụng chất liệu sắt. Người ta thấy trong các hiện vật làm từ sắt sự vững chắc, bền bỉ với thời gian như hàng ghế nghỉ chân và các trụ đèn bố trí dọc theo sông Thames ở London, hay sự cầu kỳ, tinh tế đến tỉ mỉ với vô vàn chi tiết hoa dây, lá xếp xoắn vào nhau như chiếc cổng chính phía nam ở vườn Kensington (Queen’s gate). Mỗi điểm đến, mỗi công trình làm từ sắt lại là một nét đẹp, một câu chuyện thú vị.
Để xác định niên đại của các tác phẩm sắt mỹ nghệ, ngoài các chi tiết và hoa văn trang trí, có một điểm dễ nhận thấy là ở thế kỷ 17 – 18, sắt mỹ nghệ thường được mạ thêm một lớp, hoặc sơn các màu xanh da trời, xám, xanh hoặc trắng để bảo vệ bề mặt khỏi bị gỉ sét. Sang đến thế kỷ 19, việc sơn các màu sáng hơn hoặc mạ đồng được ưa chuộng. Riêng với Anh Quốc, màu sơn đen trên các sản phẩm sắt mỹ nghệ thịnh hành từ 1861 sau cái chết của hoàng tử Albert.
Trở lại với bộ sưu tập các tác phẩm sắt mỹ nghệ để đời trong bảo tàng Victoria và Albert ở London, trong phòng chuyên đề trưng bày các sản phẩm từ sắt thép, bên cạnh rất nhiều các mẫu hiện vật sưu tầm làm từ sắt, có một chiếc ghế ngồi độc đáo, mặt ghế bằng gỗ gõ, do bảo tàng đặt nghệ nhân Albert Paley làm tại Rochester, New York, nhân sự kiện ra mắt bộ sưu tập sắt mỹ nghệ đến với công chúng năm 1994.
Albert Paley là một điêu khắc gia, trước đây ông được đào tạo để trở thành một nhà kim hoàn chuyên chế tác nữ trang, năm 1973 ông đã lập ra xưởng Paley Studios Ltd ở Rochester, New York và từ đó chuyên thiết kế các sản phẩm sắt thép mỹ nghệ mang xu hướng đương đại bao gồm nhiều dòng sản phẩm như cổng, hàng rào, rèm cửa sổ, và cả nữ trang, mang rất nhiều cách tân trong nghệ thuật đương đại. Chiếc ghế dài ở bảo tàng Victoria và Albert được chế tác bằng phương pháp gò hàn và ép khuôn bộ khung bọc lấy mặt gõ làm phần ghế ngồi. Sự kết hợp của kỹ thuật tạo hình sắt mỹ nghệ và chất liệu đã tạo ra một tác phẩm độc đáo, mang tính biểu trưng cao trong số các hiện vật chế tác từ sắt thuộc bộ sưu tập đồ sộ ở bảo tàng Victoria và Albert tại London.
Một phần ban công chế tác từ sắt có niên đại từ 1750

 

Các hiện vật sắt mỹ nghệ với các kỹ thuật đổ khuôn, hàn, gò, uốn, xoắn… trưng bày tại bảo tàng Victoria và Albert ở London
Không gian trưng bày các hiện vật sắt mỹ nghệ sưu tầm khắp châu Âu ở bảo tàng Victoria và Albert
Ghế ngồi làm từ sắt mỹ nghệ bố trí dọc bờ nam sông Thames, London

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *